Doanh nghiệp ngành nhựa cần có chiến lược kinh doanh để thúc đẩy xuất khẩu

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa 8 tháng qua đạt khoảng 840,7 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2010. Các tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này nhiều khả năng sẽ tăng khá mạnh. Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa trong năm 2011 có thể đạt 1,3 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với năm ngoái.

Cũng theo Vụ Xuất Nhập khẩu, nhóm sản phẩm nhựa bao bì (bao gồm túi nhựa và các sản phẩm dùng trong vận chuyển, đóng gói) chiếm khoảng 35,7% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nhựa. Các sản phẩm chủ lực này được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Nhật Bản, Đức, Anh, Mỹ, Campuchia. Đặc biệt, thị trường Nhật Bản mỗi năm nhập khẩu khoảng 8 tỷ USD nên đây được coi là thị trường khá tiềm năng cho các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam. Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nỗ lực xúc tiến thương mại để thâm nhập sâu vào thị trường khó tính này. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa sang Nhật Bản sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

 

Tuy nhiên, mẫu mã và chủng loại nhựa của Việt Nam còn khá đơn điệu, chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng của các nhà nhập khẩu, của các ngành kinh tế sử dụng nhựa kỹ thuật. Cùng đó, ngành công nghệ tái chế phế liệu nhựa của nước ta vẫn chưa phát triển nên các doanh nghiệp nhựa trong nước không thể tận dụng nguồn nguyên liệu tái chế dồi dào vào sản xuất nhằm tạo những sản phẩm có giá trị cạnh tranh. Vì thế, các doanh nghiệp trong nước đang phải chịu áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI có thế mạnh về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm và thị phần. Ngoài ra, việc phải nhập khẩu 70% - 80% nguyên liệu đầu vào và phải nhập khẩu hầu như tất cả các thiết bị, máy móc cần thiết để sản xuất các sản phẩm nhựa, nên giá xuất khẩu sản phẩm nhựa của doanh nghiệp Việt Nam luôn cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ khoảng từ 10 - 15%. Do đó, dù mặt hàng nhựa của Việt Nam có mức tăng trưởng tốt nhưng trên thị trường quốc tế còn thiếu tính cạnh tranh về giá.

Thời gian tới, các doanh nghiệp ngành nhựa sẽ chú trọng xây dựng nền công nghiệp tái chế phế liệu vì nguồn phế liệu trong nước rất dồi dào, cũng như hướng tới phát triển các sản phẩm nhựa mang nhiều giá trị gia tăng như nhựa kỹ thuật cao, nhựa xây dựng, nhựa y tế... Riêng đối với thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp nhựa cần liên kết chặt chẽ với các tổ chức thương mại, hợp tác quốc tế của quốc gia này để được tư vấn, hỗ trợ thông tin thị trường, các quy định về chất lượng sản phẩm, thủ tục hành chính để có thể xâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng này./.

(Theo TTXVN)
© 2012 Công ty TNHH Titan Composite     Design by www.thietkevuondao.com